Sách mới

Tiểu Thuyết Vô Đề (Novel Without A Name) - Dương Thu Hương

Tiểu Thuyết Vô Đề (Novel Without A Name)
Tác giả: Dương Thu Hương
NXB Văn Nghệ 1996
250 trang

Tiểu thuyết vô đề , truyện dài của Dương Thu Hương sáng tác trong nước, ấn bản đầu tiên được in tại hải ngoại là một sự cố quan trọng trong sinh hoạt văn học hiện nay. Nó khẳng định một thái độ chính trị của người Việt Nam trong và ngoài nước, trước công luận và nhà cầm quyền Hà Nội; nó đánh dấu một khúc quanh trong việc giao lưu văn học giữa trong và ngoài nước, vượt qua những ghềnh thác của bạo lực và mê chấp.

Sự kiện này dù chưa gây nên tiếng dội lớn và tức khắc, cũng thể hiện một biến chuyển trong tâm thức người Việt nước ngoài, điều đó cần được ghi nhận và chào mừng. Riêng nhà xuất bản Văn Nghệ ở California, lâu nay vừa kiên trì phục vụ văn học vừa né tránh những tác phẩm gây tranh luận về chính trị, khi nhận xuất bản Tiểu Thuyết Vô Đề, là chọn một thái độ dấn thân đáng hoan nghênh.

Tiểu Thuyết Vô Đề là tác phẩm thứ mười hai của Dương Thu Hương, sau bảy tập truyện ngắn và bốn truyện dài. Tiểu Thuyết Vô Đề có cốt truyện, chỉ diễn tả tâm tư của một bộ đội, những suy nghĩ, dằn vặt, nhớ nhung trên bước đường chiến binh, khoảng 1974, 1975, tại chiến trường Trị Thiên. Nội dung chính của tác phẩm là nói lên những thương tổn vật chất và tinh thần do chiến tranh gây ra.

Trên bước hành quân, nhân vật chính, một đại đội trưởng tên Quân, hai mươi tám tuổi, được lệnh của sư đoàn “từ miền tây Quảng Bình ra Thanh Hóa”(tr. 39), tạt qua một sư đoàn bạn để thăm Biền, bạn cũ cùng làng, đang lâm bệnh tâm thần trầm trọng và bị giam tại bệnh xá; sau đó được nghỉ phép, về quê, làng Đông Tiến. Khi quay vào lại chiến trường Trị Thiên, Quân gặp lại Biền trong một đại đội chuyên đóng quan tài cho chiến trường. Cuối truyện, Quân về đơn vị, tham dự chiến dịch cuối cùng, “xuống đồng bằng” (tr. 241 ).

Ngay tại chiến trường, rồi trên lộ trình về quê – Quân thất thểu đi bộ hơn tháng trời, dọc theo đường dây binh trạm đến Thanh Hoá – anh chứng kiến bao nhiêu ghê rợn và đổ nát. Cái chết thường trực, những thây người thối rữa, những oan hồn vất vưởng, lởn vởn sau mỗi khúc quanh, những bộ xương người lây lất, rải rác trong mỗi hốc đá, những con người bệnh tật, chết vì phù thũng, sốt rét ác tính, kiết lỵ kinh niên, những người đàn ông và đàn bà, thác loạn tâm thần, rối loạn tình dục, những kẻ tàn bạo, tham lam, gian xảo, những kẻ chết vì những làn đạn bắn nhầm của đồng đội, từ cá nhân đến đơn vị, những đơn vị bị xoá sổ, vì tương quan lực lượng, hay sai lầm chiến lược của cấp chỉ huy, rồi lại được nhanh chóng bổ sung. Kẻ sống xen kẽ với người chết, xác chết và oan hồn, máu và tình dục, khát vọng và hận thù. Dương Thu Hương dựng lại khung cảnh tàn khốc của chiến tranh, không phải dưới hào quang rực rỡ của một chính nghĩa bách thắng, mà dưới những tia sáng nhợt nhạt, u ám, hôi tanh, trong bước đi lạnh quạng của một anh bộ đội ghê tởm chiến tranh mà vẫn phải cầm súng, vẫn phải chiến đấu, trong ám ảnh thường xuyên của kỷ niệm người mẹ chết trẻ trong tức tưởi, oan khiên. Tác giả lấy khung cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ trên một địa phương nhất định, vào một thời điểm nhất định, nhưng chỉ phớt qua những chi tiết cụ thể, để tác phẩm có tầm khái quát rộng hơn: những mất mát chiến tranh dù ở đâu, thời nào, cũng gây những mất mát không có cách gì hàn gắn. Đấy là đặc điểm đưa Tiêu thuyết vô đề thoát ly ra khỏi đường lối sáng tác theo hiện thực xã hội chủ nghĩa, thường đòi hỏi một khung cảnh chính xác và những sự kiện cụ thể: ví dụ, cũng trong đề tài tố giác chiến tranh, thì trong Đất Trắng, Nguyễn Trọng Oánh kể chuyện Trung đoàn 16 tại vùng Củ Chi, trong Cỏ Lau, truyện Mùa Trái Cóc ở Miền Nam Nguyễn Minh Châu kể chuyện Tiểu đoàn 7 tại Sài Gòn... Tiểu thuyết vô đề đưa ra rất ít chi tiết cụ thể nhưng vẫn tạo được không khí hiện thực nhờ bút pháp sắc bén, và những nét chấm phá linh động, đủ để người đọc tò mò, có thể tìm dựng lại được bối cảnh: chiến trường nằm tại vùng Bình Trị Thiên, và gần những làng Vân Kiều (tr. 68-69). Có lúc Quân kể chuyện sư đoàn và chính uỷ “đi dự hội nghị quan trọng trên quân đoàn” (tr. 71), ở đây phải là quân đoàn 11, được thành lập tháng 5 năm 1974: từ đó, ta có thể quy thời điểm của truyện vào cuối 1974 - đầu 1975; đoạn cuối, đơn vị của Quân “tiến về đồng bằng (...) Bao nhiêu năm nay, chúng ông rúc trên rừng (...) Giờ chúng ông đã về đây sướng sưởng sường sương nhé”. Tới “ngã ba cao nguyên, gặp một đoàn tăng từ cánh trái đi tới” (tr. 241). Như vậy, đơn vị của Quân có thể là một đại đội độc lập, thuộc một sư đoàn như sư 325 trong quân đoàn 11 “chiến trường B5” (tr. 79, 182) khoảng tháng 3-1975, hành quân dọc đường 14, xuống đồng bằng, đánh vào các thị trấn. Những góc cạnh cụ thể này, bản thân nó không quan trọng, nhưng vì Dương Thu Hương cố tình không xác định, nên chúng ta cần dò lại sơ đồ lịch sử, tâm tình của Quân không phải là đóm lửa chơi vơi giữa một xã hội không tên, hay là “củi một cành khô lạc mấy dòng”, mà là một ngọn lửa trong một đám cháy lớn, nó làm chứng tích cho cuộc sống con người trên dòng thác lũ. Một tác phẩm về chiến tranh, dù chống chiến tranh, chỉ có giá trị nhân đạo khi bám rễ sâu vào chiến cuộc, từ đó tâm tình và tư tưởng nhân vật mới có đủ xương thịt để tồn tại trong tầm thưởng ngoạn của người đọc.

Một kỹ thuật khác đưa Tiểu thuyết vô đề ra khỏi quỹ đạo của hiện thực xã hội chủ nghĩa, là tác giả đan cài những sự kiện hiện tại với kỷ niệm, tình cảm của quá khứ. Kỹ thuật “thời gian đồng hiện” này, Dương Thu Hương đã dùng trong Những thiên đường mù; đến Tiểu thuyết vô đề thì sự đan cài chồng chéo đối lập hiện tại tàn bạo với quá khứ hiền dịu của tuổi thơ, làm nổi bật tính cách phi lý tàn nhẫn của chiến tranh.

Tố giác chiến tranh, trong lịch sử văn học thế giới, không phải là việc mới. Nhưng tại Việt Nam, điều này tương đối mới, và đi ngược lại với đường lối chính thức của Nhà nước. Dương Thu Hương không phải là người đầu tiên dũng cảm nêu lên những tàn phá của chiến tranh nhưng chỉ đã đi xa hơn những tác giả khác trong một cái nhìn toàn bộ hơn. Người ta thường phân biệt chiến tranh có chính nghĩa, ví dụ khi bảo vệ tổ quốc, và chấp nhận nó dù phải hy sinh, và chiến tranh phi nghĩa, như chiến tranh xâm lược, mà người ta khước từ và chống lại, dù phải chịu tàn phá; và Việt Nam, suốt ba mươi năm, phải sống thường xuyên sự đối lập đó và trả giá bằng bao nhiêu đổ nát và xương máu. Bản chất của hai cuộc kháng chiến và tính chất khắc nghiệt của nó đã làm nền cho đường lối giáo điều của lý thuyết cộng sản, tạo ra một số tác phẩm đơn điệu về chiến tranh, với những công thức khô cứng: ta tốt, ta anh hùng, ta nhất định thắng; địch thì ngược lại. Năm, mười năm sau chiến tranh, các tác giả, chủ yếu là các nhà văn trong quân đội, đã có cái nhìn uyển chuyển hẳn, dừng lại lâu hơn ở những mất mát, những phi lý , những hậu quả khách quan về lâu về dài ví dụ như Nguyễn Minh Châu, từ Dấu chân người lính (1972) đến Cỏ Lau (1989) đã thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ về chiến tranh. Dương Thu Hương thiết tha với định mệnh dân tộc, dĩ nhiên là chị gắn bó với những trào lưu văn học chung quanh; do đó Tiểu thuyết vô đề nằm trong dòng văn học đánh giá lại chiến tranh, với những cách nhìn mới về ta, bạn và thù:

“Cả hai bên đều hò hét, cả hai bên đều điên cuồng chém giết, cả hai bên đều rú lên khoái trá khi máu đối phương phụt khỏi tim, óc đối phương vọt khỏi não, - cả hai bên đều quằn quại như sâu bọ dưới những lằn đạn lửa, phần sống sót lê khỏi chiến địa để làm mồi dự trữ cho các mặt trận tiếp thêm - phần đã chết tự hiến nốt hình hài cho các loài ác thú dòi bọ.

Cả hai bên đều yên trí là mình đã hi sinh xứng đáng cho lý tưởng. Than ôi, họ có chung một nòi giống, con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Họ là những hữu thể được tái sinh trong cùng một bào thai – không xứ sở nào có được cái huyền thoại mê ly đến thế! " (tr. 212-213)(4)

Đây là tình cảm nhân đạo và nhân văn của một nhà văn, qua cái nhìn hồi tuyến nặng tình tự dân tộc, nhưng là một quan điểm phi chính trị và phi lịch sử - lịch sử mỗi dân tộc là những sự chọn lựa chính trị. Dương Thu Hương biết rõ điều đó, và chọn một thái độ trí thức duy lý và cực đoan khi phải duy lý luận đến cùng: “lịch sử đầy tội ác” (tr. 219). “chúng ta không lựa chọn được lịch sử cho mình” (tr. 221). Cá nhân con người không có lịch sử. Lịch sử là chuyện của những cộng đồng, những quốc gia, hay nói theo một nhà văn, lịch sử là cuộc sống được viết tắt, được giản lược. Dương Thu Hương nhìn lại quá khứ:

“Cuộc chiến tranh này không đơn thuần là cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Nó là cơ hội vinh thăng cho toàn dân tộc (...) Sau cuộc chiến, tổ quốc chúng tôi sẽ trở thành Thánh đường của nhân loại (...) Bởi lẽ đó, chúng tôi đã quay mặt đi, lảng tránh những giọt nước mắt yếu mềm...” (tr. 38).

Không có cuộc chiến tranh nào đơn thuần cả, và với lịch sử nhân loại, chiến tranh càng ngày càng phức tạp, và cái chết, từ đó, cũng không đơn giản. Chỉ có ông Thánh Gióng là đánh giặc đơn giản rồi bay tuốt về trời, nhưng cái thời giặc Ân đã qua rồi, và các ông Thánh Gióng ngày nay phải ở lại trần gian để trả nợ chiến tranh chiến thắng.

Trong những tác phẩm trước, nhân vật chính của Dương Thu Hương thường là phụ nữ, cô giáo Linh trong Bên Kia Bờ Ảo Vọng , cô Hằng với bà mẹ và bà cô trong Những Thiên Đường Mù, chuyện của những nhân vật nữ này là chuyện của xã hội nói chung, nhưng không tránh khỏi những cảm nghĩ lẩn thẩn của đàn bà. Trong Tiểu thuyết vô đề, nhân vật chính án ngữ hết tác phẩm – dường như không có nhân vật phụ – lại là một người đàn ông, lại là một anh bộ đội sống giữa thế giới đàn ông trong hoàn cảnh thô bạo của chiến tranh. Vậy mà Dương Thu Hương vẫn viết được những trang trữ tình dịu đàng, đằm thắm. Hình ảnh của người mẹ ám ảnh ký ức và mộng ước của Quân ngay từ những trang đầu. Có thể nói: nhân vật chính của tác phẩm chính là người mẹ, tuy bà không bao giờ lộ diện trong tác phẩm “mẹ tôi mất sớm, hồi tôi tám tuổi” (tr. 38), “mẹ tôi chết từ lâu” (tr.100). Từ những trang đầu, bà mẹ đã tạo ra cuộc sống, mà chiến tranh sẽ hủy diệt, những hoang mang của người bộ đội trước khói lửa phải chăng bắt đầu từ một ám ảnh:

“Ngày tôi năm tuổi, có một ngọn đồi xa thẳm.

Ngọn đồi xanh với những vòm mít vòm nhãn trùm lên nóc chùa rêu mốc. Nửa mái tam quan đổ nát nhô lên khỏi lùm cây.

Một chiều nào đấy, nắng ấm bò quanh những luống sắn nghiêng ngả dưới chân đồi.

Mẹ tôi dẫn tôi lên con dốc sỏi dẫn đến chùa. Bụng mẹ tôi to gần bằng chiếc thúng trồi lên dưới hai vạt áo nhuộm vỏ dà (...)

– Em con đấy. . . Nó đạp khiếp không?

(...) Mẹ tôi nằm trên cái nong cũ trải lá chuối và vải thưa. Giữa hai đùi mẹ, dòng máu thắm vọt ra, thắm đỏ như huyết con trâu bị chọc tiết ngày lễ... Cuối cùng là tiếng khóc oe oe và những bàn tay bàn chân đỏ hỏn quờ quạng giữa không trung”.

Rồi hơn hai mươi năm sau – Quân đã già đi trong chiến tranh:

“bàn chân nhỏ xíu của đứa em trai ngày sơ sinh vẫn quẫy đạp trước mắt tôi (...) Có cái gì đó đã rớt lại phía bên kia... rút lại phía bên kia đường chân trời " (tr. 23, 25, 26)

Đứa em ấy, lớn lên, là một sinh viên toán xuất sắc, “giỏi thứ nhì trong tỉnh và vẫn ước ao theo nghề điện toán” (tr. 110), rồi đi bộ đội, và hy sinh. Khi về làng, Quân mới hay tin:

“ Tiếng thét rợn hồn trong cơn sinh nở của mẹ vụt xé trong tôi. Cái chậu sành sóng sánh nước. Bàn chân đỏ hỏn của đứa em trai quẫy đạp... Quẫy đạp.... Nó mất công quẫy đạp như thế để làm gì? ...Cuối cùng, cái chết đã nhặt nó đi, như nhặt mảnh giẻ rách vương trên nẻo đường lầm bụi” (tr. 107).

Và Quân phát biểu một sự thật đơn giản, nhưng sâu xa và cảm động, anh phát biểu thay cho Dương Thu Hương tác giả, và cho Dương Thu Hương người đàn bà, người mẹ:

“Với người mẹ, không thứ vinh quang nào sánh bằng sự tồn tại của đứa con, không có thứ giáo lý nào cao cả bằng việc làm cho con hạnh phúc” (tr. 111) .

Chúng ta đã có những anh hùng ca, những tiểu thuyết ca ngợi chiến tranh và chiến thắng. Chúng ta đang và sẽ có những tác phẩm nhân đạo lên án chiến tranh với nhiều thảm cảnh. Nhưng cái còn lại, trong cả hai thể loại, sẽ là cái tình người chân thật, ví dụ như tấm lòng người mẹ, khát vọng của đứa con trong Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương. Người nữ chiến sĩ đã lăn lộn trên những chiến trường nóng bỏng của tổ quốc mà vẫn gìn giữ được tâm tình của người mẹ, qua nghệ thuật trữ tình của nhà văn thời đại. Tôi muốn lướt nhanh qua những trang binh lửa, những đấu đá chính trị, những triết lý lủng củng trong Tiểu thuyết vô đề để dừng lại lâu hơn ở tâm tư một thế hệ binh đao. Giữa chiến trường, người lính bỗng nhớ khuôn mặt người mẹ lúc sinh nở:

“Rồi cũng chính trên gương mặt méo mó kinh dị ấy ngời lên nụ cười rạng rỡ hạnh phúc khi tiếng khóc oe oe của đứa con cất lên và đôi bàn chân đỏ hỏn của nó quẫy đạp trong không khí... Đó, vẻ đẹp mặn mòi của đời sống, vẻ đẹp của tạo sinh.

Vẻ đẹp ấy đã xa vời. Nó lẩn khuất với những kỷ niệm vụn vặt thời thơ bé. Tôi bỗng kinh hoàng. Người ta không thể cùng một lần đắm mình vào hai dòng nước.

Tôi, tôi và những bạn hữu của tôi, chúng tôi đã sống đời lính quá lâu, chúng tôi đã đắm chìm trong vẻ đẹp thời binh đao... Liệu bao giờ, và có thể được chăng, tìm lại ngọn nguồn của vẻ đẹp tạo sinh, niềm đam mê của đời sống an bình ?” (tr. 168).

Khát vọng vừa chính đáng vừa chua xót của một thế hệ thanh niên được Dương Thu Hương mô tả mạnh dạn, bằng bút pháp đa dạng, khi tàn nhẫn, khi dịu dàng, những trang ăm ắp tình người và chất thơ nằm giữa những sự kiện tàn bạo, ghê rợn. Dĩ nhiên, tác phẩm, trong tham vọng của nó, có nhiều khuyết điểm: tác giả viết không đều tay, những đoạn đặc sắc không cứu vãn hết những đoạn đuối sức; về cơ cấu, Dương Thu Hương đan cài hiện thực với kỷ niệm, mơ ước, những cảnh tưởng tượng, nhưng chuyển mạch không tự nhiên, tạo cảm giác thuyết lý – một khuyết điểm thường xuyên ở Dương Thu Hương. Nhân vật Quân đơn giản quá: tác giả nói lên được cái hoang mang trước chiến tranh dù có cách điệu và cường điệu. Nhưng còn cá tính của Quân? Sĩ quan chỉ huy một đại đội thiện chiến, anh hùng, mà lúc nào cũng lạng quạng, dao động thế sao? Nhất là trong giai đoạn quyết liệt, dứt điểm của chiến cuộc? Và cái gì đã dao động thật sự và sâu xa Quân, sự dao động ấy phát sinh ra sao, chúng ta chưa thấy; và có lúc có cảm giác Quân không thật, Quân chỉ là phát ngôn nhân cho tác giả. Và những phê phán chính trị của tác giả không ăn nhập gì với tác phẩm. Dương Thu Hương lên án chế độ cộng sản một cách vừa nặng nề vừa dễ dãi (tr. 118, 121, 144...), như là muốn khiêu khích, hoặc viết cho đã nư, hoặc chiều theo thị hiếu một số độc giả; có thể có nhiều người khoái, nhưng đấy không phải là tiêu chuẩn nghệ thuật và trí thức. Muốn nêu lên trách nhiệm của đảng Cộng sản Việt Nam trong bạo lực của chiến tranh, cũng dễ thôi, và Dương Thu Hương lại có tài tranh luận. Không ai đòi hỏi phải có lý luận trong tiểu thuyết, nhưng khi đặt vấn đề thì phải nghiêm túc, để khỏi rơi vào những phát ngôn bừa bãi. Ngoài ra Dương Thu Hương viết đối thoại không tự nhiên, dùng ngôn ngữ trực tiếp không sắc sảo, thậm chí không chính xác, mất phần linh động – và gây xuyên tạc.

Dương Thu Hương là một nhà văn có tài, có tình, có tâm huyết và kinh nghiệm. Chị dư biết những nhược điểm khi đón đầu:

“Thực ra tôi không nên viết vội vã như vậy. Tôi cần phải có một thời gian suy nghĩ đắn đo (...) Bản thân tôi, tôi đã nghĩ: “Mình có thể là nhà văn tồi, nhưng là một công dân tốt. Điều quan trọng hơn cả trong lúc này là gửi được những thông điệp tới người đọc (...), bạn đọc hãy tha thứ cho tôi” (tr. XIII).

Dương Thu Hương từ tốn. Chứ ai mà dám tha thứ cho chị. Chúng ta chỉ chào mừng một tài năng lớn, một tấm lòng tận tụy với dân tộc, nhiệt thành với con người, tha thiết với văn chương qua Tiểu thuyết vô đề.


Download Tiểu Thuyết Vô Đề (Novel Without A Name) - Dương Thu Hương.EPUB


Xem hướng dẫn download tại đây

P.S.: Tất cả các ebook và audio book post ở TSCB đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Nhớ like và share Facebook ủng hộ chúng tôi nhé. Thanks các bạn nhiều nha.

MUA SÁCH GIẤY

Giá: 240.000 vnđ

Hotline: 0967 841 705 (Zalo và Viber)
Email: noluckhongngung@gmail.com
Tiểu Thuyết Vô Đề (Novel Without A Name) - Dương Thu Hương
Top
Chat với chúng tôi